Bạn nên biết động đất là gì bởi thiên tai càng trở nên nghiêm trọng và xuất hiện ở nhiều nơi. Hiện tượng này mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến con người, kinh tế,… Biết được các thông tin liên quan sẽ giúp bạn phòng tránh hậu quả tốt nhất.

Động đất là gì?

Hiện tượng động đất (địa chấn) là sự rung chuyển trên bề mặt Trái đất với cường độ khác nhau. Có thể là các rung động nhỏ, nhẹ con người cảm nhận được cho đến sự rung chuyển lớn. Thông thường thời gian diễn ra 1 cơn địa chấn khoảng vài giây đến vài phút.

Cơ chế hình thành động đất chủ yếu do sự giải phóng năng lượng bên trong lòng đất do đứt gãy địa chất. Ngoài ra còn có thể do các sự kiện va chạm, núi lửa phun trào, lở đất, thử vũ khí hạt nhân…

hiện tượng động đất là gì
Động đất là sự rung chuyển của bề mặt Trái đất

Trên thực tế, địa chấn không chỉ xảy ra trên Trái đất của chúng ta mà còn có thể xuất hiện tại rất nhiều hành tinh có bề mặt lớp ngoài rắn. Có những rung động địa chấn không gây ra động đất sẽ được gọi là chấn động.

Trên Trái đất, hiện tượng này là nguyên nhân gây ra sóng thần khi diễn ra trong lòng đại dương. Năng lượng bùng nổ đẩy khối nước biển lên cao rồi rơi xuống. Các đợt sóng lớn sẽ tràn qua đại dương sau đó đổ bộ vào đất liền.

Động đất cũng khiến núi lửa phun trào, thậm chí là các ngọn núi đã ngừng hoạt động. Nguyên nhân do các mảnh kiến tạo bị nứt tạo điều kiện cho magma trào lên từ dưới lòng đất.

#3 Dấu hiệu nhận biết sắp có động đất

Do những nguyên nhân khác nhau nên việc ngăn chặn hiện tượng này là điều khó thực hiện. Tuy nhiên, bạn có thể dựa vào những dấu hiệu nhận biết động đất để hạn chế được các hậu quả nghiêm trọng:

  • Quan sát hành vi của động vật: Động vật có thể cảm nhận được các địa chấn nhỏ sớm nhất phát ra từ lòng đất. Vậy nên khi chuẩn bị xảy ra hiện tượng này, bạn sẽ thấy chúng có nhiều dấu hiệu bất thường, cụ thể là di chuyển, tìm nơi trú ẩn.
  • Xem mực nước sông hồ: Nếu thấy nước tại các ao hồ sông suối rút hoặc dâng một cách bất thường dù điều kiện thời tiết không có biến động, đây cũng có thể là dấu hiệu sớm cảnh báo sắp có địa chấn.
  • Xem luồng sáng động đất: Luồng sáng xuất hiện trên bầu trời gần các điểm nứt gãy địa chất. Chúng được chia thành ánh sáng động đất tiền địa chấn sẽ xuất hiện trước khoảng vài tuần gần tâm chấn và ánh sáng coseismic thường xuất hiện ở ngay tâm chấn.
dấu hiệu nhận biết động đất
Quan sát động vật để nhận biết các dấu hiệu

Những nguyên nhân chính gây ra động đất

Hiện tượng động đất là gì và cơ chế hình thành đã được giải thích cơ bản. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này bao gồm:

Nguyên nhân động đất từ nội sinh

Nguyên nhân động đất đầu tiên và phổ biến nhất đó chính là do kiến tạo địa hình. Quá trình này liên quan đến các đứt gãy trên bề mặt, rìa mảng thạch quyển…

Khi các mảng địa chất di chuyển, va chạm hoặc tách ra sẽ khiến magma trào lên lớp vỏ Trái đất. Chúng khiến trạng thái cân bằng áp lực của đất đá bị phá vỡ và sinh ra các rung chuyển.

nguyên nhân gây ra động đất
Nguyên nhân nội sinh từ các đứt gãy

Bên cạnh đó, việc biến đổi đá từ dạng tinh thể này chuyển sang dạng khác cũng khiến vật chất bị giãn hoặc co rút. Việc thể tích khối đá lớn bị biến đổi cũng gây ra địa chấn trên khu vực.

Nguyên nhân nội sinh còn liên quan đến việc các hang động ngầm bị sụt lún hoặc hoạt động phun trào của núi lửa. Tuy nhiên loại này chiếm số lượng nhỏ và thường không quá mạnh.

Nguyên nhân động đất từ ngoại sinh

Hiện tượng động đất do tác động của các yếu tố bên ngoài Trái đất thường do sự va chạm của thiên thạch. Khi chúng từ không gian rơi vào tầng khí quyển sẽ bị làm nóng lên dưới tác dụng của áp suất nén. Đây chính là hiện tượng sao băng con người vẫn thường quan sát thấy.

Các khối thiên thạch lớn với nhân khó bốc hơi có thể rơi trên bề mặt Trái đất. Với sức nặng và tốc độ di chuyển càng cao, sự va chạm càng mạnh gây nên những cơn địa chấn, đứt gãy bề mặt nghiêm trọng.

nguyên nhân động đất
Nguyên nhân của hiện tượng động đất từ ngoại sinh

Vụ va chạm lớn nhất từng được biết đến và có bằng chứng cụ thể chính là sự hủy diệt ở Kỷ Phấn Trắng khoảng 65 triệu năm trước. Sức công phá kinh hoàng tạo nên hố lõm sâu khoảng 110 dặm và hàng tấn bụi khí quyển.

Hầu hết các vùng trên Trái đất đều phải chịu ảnh hưởng của động đất, sóng thần, thảm họa mưa axit… Vụ va chạm này đã hủy diệt gần như toàn bộ sự sống và xóa sổ loài khủng long đang thống trị.

Nguyên nhân động đất từ nhân sinh

Con người cũng là một trong số các nguyên nhân gây ra động đất cần được kể đến. Các hoạt động khai thác, sản xuất, thử vũ khí tạo ra địa chấn từ nhỏ đến lớn. Ví dụ:

  • Khai thác dầu khí: Phương pháp thủy lực cắt phá tìm mạch dầu tạo nên các khoang rỗng trong lòng Trái đất. Mỗi lần thực nghiệm thành công đểu gây ra các vi địa chấn do cấu trúc địa chất bị thay đổi, nứt gãy.
  • Quá trình xây đập ngăn nước trong hồ chứa. Theo báo cáo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), trận động đất 7,9 độ richter xảy ra tại Trung Quốc năm 2008 có liên quan đến quá trình khai thác thủy điện tại hồ Zipingpu. Địa điểm này chỉ cách tâm địa chấn vài km.
  • Việc đẩy mạnh khai thác tài nguyên dưới lòng đất, xây dựng các tòa nhà, thử vũ khí hạt nhân… cũng khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính bền của địa chất bề mặt Trái đất, gây nên địa chấn.

Việc khai thác quá mức tài nguyên cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Con người cần lên kế hoạch, kiểm soát quá trình này để tránh tác động lên trái đất.

Độ lớn của động đất được phân loại như thế nào?

Để phân loại độ lớn và đánh giá tác động của các địa chấn, các báo cáo và thực tế đều dùng độ đơn vị là độ Richter (Ký hiệu là M). Tùy từng mức độ khác nhau mà cảm nhận của con người và thiệt hại cũng khác nhau. Cụ thể:

  • Cấp 1 (Từ 1 đến 2 độ Richter): Rung động nhẹ không cảm nhận được.
  • Cấp 2 (Từ 2 đến 4 độ Richter): Con người có thể cảm nhận nhưng không gây thiệt hại. Hầu hết chỉ những người đang ở trạng thái yên tính mới có thể biết có động đất cấp 2. Khi tăng mạnh hơn đến 4 độ, có thể cảm nhận mặt đất thay đổi như có xe tải di chuyển bên cạnh.
  • Cấp 3 (Từ 5 đến 6 độ Richter): Cảm thấy nhà cửa rung chuyển, các đồ vật xê dịch. Những tòa nhà không kiên cố có thể xảy ra hiện tượng bị nứt.
  • Cấp 4 (Từ 6 đến 7 độ Richter): Bắt đầu có thể kích hoạt núi lửa, sạt lở… Nhà cửa rung chuyển mạnh hơn, đồ vật rơi vỡ.
  • Cấp 5 (Từ 7 đến 8 độ Richter): Phá hủy hầu hết các công trình xây dựng, giao thông, hư hại nhà cửa hoàn toàn. Trên mặt đất có thể xuất hiện các vết nứt rộng đến 10cm.
  • Cấp 6 (Từ 8 đến 9 độ Richter): Các công trình đổ nát nghiêm trọng, nền lún sâu đến 1m, đồi núi sạt lở trên địa hình rộng.
  • Cấp 7 (Từ 9 đến 10 độ Richter): Động đất gây thảm họa, phá hủy toàn bộ các công trình, thay đổi địa hình.
hiện tượng động đất
Đo độ lớn của địa chấn bằng độ Richter

Hậu quả nghiêm trọng của hiện tượng động đất

Tác hại của động đất lớn hay nhỏ còn tùy thuộc vào thang đo độ mạnh. Bên cạnh đó là khoảng cách tính từ tâm chấn, những điều kiện liên quan đến địa chất khu vực xác định ảnh hưởng. Tuy nhiên, có thể liệt kê một số hậu quả thường gặp như:

Động đất gây tổn thất tài sản lớn

Đầu tiên chính là sự tổn thất về tài sản khi các rung động mạnh gây nứt vỡ, sụt lún, phá hủy nhà cửa, các công trình. Những địa chấn nhẹ chỉ gây rung lắc trong khi từ cấp 3 trở lên đã có thể gây nứt tường rơi vỡ đồ đạc.

Cường độ càng mạnh, sự hư hại về tài sản càng cao và thiệt hại cho con người càng lớn. Cần mất nhiều thời gian để người dân trong khu vực xảy ra thiên tai có thể trở về cuộc sống bình thường.

Những thiệt hại về kinh tế sau các trận động đất lớn cũng khiến nhiều quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Ví dụ:

  • Thiệt hại tài sản, cơ sở vật chất, hệ thống giao thông đường bộ đường sắt, các công trình xây dựng, nhà máy,…
  • Mất thời gian và công sức, tiền bạc giải quyết hậu quả, dọn dẹp đống đổ nát, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống.
  • Chi phí lớn để khắc phục hậu quả sau thiên tai.
  • Toàn bộ các hoạt động sản xuất bị đình trệ do không còn nơi và công cụ làm việc.
  • Ảnh hưởng đến nền kinh tế chung, sức tiêu dùng, tài chính người dân và nhiều yếu tố liên quan khác.
tác hại của động đất
Nhà cửa, các công trình bị chôn vùi

Địa chấn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái

Hậu quả của động đất tiếp theo đó là tác động lớn đến môi trường và hệ sinh thái trong khu vực. Cụ thể:

  • Sự ô nhiễm nguồn nước, không khí: Địa chấn khiến đường ống bị vỡ, không duy trì được nước sạch cho người dân. Rác thải, xác động vật phân hủy chưa được giải quyết sớm triệt để cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
  • Các chất thải thuộc nhóm nguy hại như nhiên liệu, nguyên liệu công nghiệp, chất thải y tế, chất thải phóng xạ từ các thiết bị… gây ảnh hưởng đến môi trường. Tác động lâu dài đến cả động thực vật, hệ sinh thái lẫn con người.
  • Nguy cơ bụi độc dẫn đến ô nhiễm môi trường không khí do các đám cháy, đổ nát, hư hại do nhà máy bị phá hủy giải phóng nhiều chất độc như Amiăng, silica, thủy ngân…
  • Vấn đề về việc xử lý các loại rác thải không nguy hại nhưng số lượng lớn như các đống đổ nát từ công trình, cây cối…
  • Hệ sinh thái mất cân bằng do chịu hậu quả từ những biến đổi môi trường.
hậu quả của động đất
Mất cân bằng sinh thái sau thảm họa

Động đất gây nguy hiểm đến con người

Động đất tác động đến con người, không chỉ là vấn đề đời sống, sức khỏe mà cả tính mạng:

  • Các trận địa chấn lớn cướp đi sinh mạng của nhiều người khi bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
  • Hư hại tài sản nhiều cấp độ, mất thời gian ổn định lại cuộc sống.
  • Động đất kéo theo các vấn đề mất điện, mất nước, thiếu lương thực…
  • Vấn đề ô nhiễm đất (Ô nhiễm đất là gì? Đây là hiện trạng đất đai bị nhiễm độc, không thể tiếp tục sử dụng), nước, không khí… dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật. Ví dụ bệnh tả, thương hàn, viêm nhiễm, bệnh ngoài da… Dịch bệnh có cơ hội bùng phát nếu không có biện pháp kịp thời. Trong khi đó điều kiện, trang thiết bị chữa trị hầu như không có tại khu vực vì bệnh viện cũng bị phá hủy.
  • Sự lo sợ, hoang mang thường trực khiến người dân lo lắng, khó ổn định cuộc sống nhanh chóng.
tác hại động đất
Động đất cướp đi sinh mạng nhiều người

Cần làm gì trong và sau khi động đất xảy ra?

Một trong những điểm nguy hiểm của hiện tượng này đó là khó có thể dự báo trước trong thời gian dài. Vậy nên con người cần có những biện pháp cụ thể trước, trong và sau khi xảy ra động đất để hạn chế hậu quả.

Trước khi xảy ra động đất cần làm gì?

Thường xuyên theo dõi các bản tin thời tiết, khí tượng, tin tức của cơ quan chức năng để cập nhật tin tức nhanh chóng. Trước khi thảm họa xảy ra cần:

  • Gia cố nhà cửa chắc chắn, đặt các đồ vật nặng xa đường di chuyển. Mục đích là khi chúng có đổ vỡ cũng không chắn lối thoát hiểm.
  • Những đồ vật dễ rơi vỡ như gương, tivi… cần để xuống thấp để hạn chế rơi gây nguy hiểm.
  • Chuẩn bị các dụng cụ và học cách sơ cứu cơ bản cũng như thực phẩm cần thiết.
  • Tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, chuẩn bị thiết bị như đài hay radio để cập nhật thông tin.

Trong khi xảy ra động đất nên làm gì?

Hiện tượng này có thể đột nhiên xảy ra mà không được cảnh báo trước, nếu đang ở trong nhà hay các tòa nhà cần:

  • Chui xuống gầm bàn, gầm giường để được che chắn. Nếu không, hãy chuẩn bị tư thế em bé an toàn nơi góc phòng, tránh xa các cửa kính và vật thể có thể rơi.
  • Mặt, đầu, cổ cần được che chắn cẩn thận để tránh bị mảnh vỡ rơi trúng.
  • Rung lắc mạnh gây mất điện, hãy dùng đèn pin lấy ánh sáng, không dùng nến, diêm dễ gây hỏa hoạn.
  • Không sử dụng thang máy vì rất dễ bị kẹt do hệ thống điện ngắt.
  • Khóa hệ thống ga, mở cửa ra vào giúp dọn đường di chuyển sau khi địa chấn xảy ra.
làm gì khi có động đất
Hãy tìm nơi trú ẩn an toàn khi cảm nhận thấy rung chấn

Hầu hết thương vong liên quan đến thiên tai này đều do bị tường đổ sập, các mảnh vỡ gây bị thương. Nếu bạn đang ở ngoài đường, bất ngờ có động đất cần:

  • Tránh xa các tòa nhà cao tầng, cây cối, cột điện. Nên tìm chỗ trống, thoáng để tránh bị vật thể rơi đè vào người.
  • Nếu đang lái xe, hãy dừng lại để tìm nơi trú ẩn và không nên chui xuống gầm xe để tránh bị đè lên người.

Sau khi xảy ra động đất phải làm sao?

Nếu bản thân còn tỉnh táo, hãy kiểm tra xung quanh xem mình có bị đồ đạc, tường đè lên người hay không. Sau đó cố gắng phát ra âm thanh để gây sự chú ý của lực lượng cứu hộ. Nếu vẫn có thể di chuyển, hãy:

  • Kiểm tra các thành viên khác xem có ai bị thương hay không. Nếu chỉ là vết thương dễ xử lý, sử dụng dụng cụ sơ cứu cầm máu, vệ sinh.
  • Không di chuyển người bị thương nặng trừ khi ở gần đường dây điện hay các vị trí nguy hiểm.
  • Di chuyển đến nơi thoáng để không bị ảnh hưởng bởi dư chấn.
  • Xem các thông tin từ radio để cập nhật tình hình.

Câu hỏi thường gặp về hiện tượng động đất

Một số câu hỏi liên quan đến hiện tượng động đất được cập nhật để bạn đọc có thêm thông tin:

Mức độ nguy hiểm của động đất như thế nào?

Mức độ nguy hiểm của địa chấn phụ thuộc vào cường độ (đo bằng độ richter), vị trí có gần tâm động đất hay không, điều kiện địa hình… Với độ lớn từ 7.3 độ richter trở lên, khả năng cao hiện tượng này sẽ kèm theo sóng thần.

Sự đổ bộ của thiên tai ảnh hưởng đến toàn bộ các mặt của xã hội, Từ con người đến kinh tế, môi trường, giao thông… và cần rất nhiều thời gian để khắc phục.

Kể tên một số thảm họa động đất trong lịch sử?

Động đất từ cấp 5 trở lên thường chỉ tập trung ở những khu vực nhất định có hoạt động địa chấn mạnh. Các trận địa chấn lớn nhất tại Việt Nam cũng chỉ ghi nhận tối đa 6,9 độ Richter tại Điện Biên (năm 1935).

Các thảm họa động đất trong lịch sử để lại hậu quả nặng nề phải kể đến như:

  • Động đất Đường Sơn Trung Quốc năm 1976: Độ mạnh 7,8 độ Richter, gây thương vong nghiêm trọng với 242.419 đến 779.000 người chết. Đây là địa chấn khủng khiếp nhất trong thế kỷ XX.
  • Địa chấn ở Tứ Xuyên Trung Quốc năm 2008 với độ mạnh 7,9 độ richter. Tổng cộng có 87.000 người thiệt mạng, trong đó có 5.335 học sinh.
  • Động đất ở Haiti, năm 2010 với cường độ 7 độ richter. Tổng cộng có hơn 200.000 người thiệt mạng.
  • Động đất ở Indonesia xảy ra năm 2004. Cường độ địa chấn tại Ấn Độ Dương là mạnh 9,3 độ richter, gây sóng thần ảnh hưởng 14 quốc gia ven biển, trong đó Indonesia thiệt hại hơn 170.000 người (trong tổng số 220.000 người).

    các thảm họa động đất trong lịch sử
    Trận động đất và sóng thần năm 2004 tại Indonesia khiến hơn 170.000 người chết

Kết luận

Động đất là gì và những hậu quả nghiêm trọng mà địa chấn gây ra giúp bạn hiểu thêm về thiên tai này. Mặc dù Việt Nam không nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra nhưng cũng đã có khá nhiều địa chấn nhỏ. Có các biện pháp đề phòng, hạn chế tác động sẽ giúp bạn và gia đình đảm bảo an toàn.